Sau nhịp hồi nhẹ, cổ phiếu ngành thép lại cắm đầu đi xuống. Hy vọng cổ phiếu ngành thép đã tạo đáy và đi lên của nhiều nhà đầu vừa nhen lên lại bị dập tắt.
Giá giảm sâu, P/B về dưới 1
Nhà đầu tư Lê Dung kể, tháng 11/2021, chị bắt đầu mở tài khoản đầu tư chứng khoán và được bạn bè khuyên mua cổ phiếu HPG. Sau khi tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp, nhận thấy HPG có hiệu quả kinh doanh tốt, lợi nhuận tăng trưởng mạnh, chị Dung đặt lệnh mua 10.000 cổ phiếu với mức giá 48.000 đồng/cổ phiếu.
Sau đó, dù cổ phiếu có thời điểm chạm mốc 50.000 đồng/cổ phiếu nhưng chị vẫn nắm giữ với kỳ vọng cổ phiếu sẽ tăng tiếp. Nhưng không lâu sau đó, thị giá cổ phiếu này liên tục rơi. Tính đến thời điểm này, tài khoản của chị Dung đã bốc hơi hơn 37%.
Thực tế, cổ phiếu thép tạo đỉnh và đi xuống trước thị trường chung và đà lao dốc mạnh của nhóm này là câu chuyện nổi bật trên thị trường chứng khoán suốt từ đầu năm tới nay. Tính đến cuối phiên 19/10, cổ phiếu HPG ở mức 18.400 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 57% so với năm trước. Định giá P/B về còn 0.82 (so với giá trị sổ sách 22.340 đồng/cổ phiếu).
Cổ phiếu HSG (của Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen) còn giảm sâu hơn. Đóng cửa phiên 19/10/2022 tại mức 13.300 đồng/cổ phiếu, thị giá cổ phiếu HSG đã giảm hơn 67% so với năm trước.
Cổ phiếu NKG của Công ty cổ phần Thép Nam Kim giảm 60%; DTL của Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc giảm 41% so với năm ngoái. DNS của Công ty cổ phần Thép Đà Nẵng giảm hơn 33%, POM của Công ty cổ phần Thép Pomina giảm hơn 26% so với đầu năm và giảm hơn 72% so với cùng kỳ năm ngoái.
P/B của HPG đạt 0,82, HSG chỉ 0.56, NKG là 0.59, DTL là 1.21, DNS có chỉ số P/B bằng 1.2 và POM còn 0.38.
Định giá cổ phiếu thép đã gần bằng thậm chí xuống dưới giá trị sổ sách. P/B của HPG đạt 0,82, HSG chỉ 0,56, NKG là 0,59, DTL là 1,21, DNS có chỉ số P/B bằng 1,2 và POM còn 0,38.
Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect, mức P/B của HPG xấp xỉ 1 lần là điều rất hiếm khi xảy ra, trừ những giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như Covid-19, hay giai đoạn 2011 - 2012.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Everest cho rằng, chỉ số P/B của Hòa Phát luôn luôn nằm ở mức trên 1, đây là doanh nghiệp có lợi nhuận bền vững suốt lịch sử niêm yết trên sàn, cổ phiếu này chỉ có 3 lần chạm ngưỡng P/B 1 lần.
Khó khăn ngành thép còn kéo dài
Giá thép trên thị trường thế giới quay đầu giảm mạnh và đang có xu hướng tìm về vùng đáy cũ so với giá đỉnh hồi tháng 10/2021, giá thép đã giảm 36%. Giá thép cuộn cán nóng (HRC) trong quý III đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện lác lác một số doanh nghiệp trong ngành công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng báo cáo sản lượng bán hàng tháng 9 của nhiều doanh nghiệp cho thấy khá ảm đạm. Đơn cử như tại HPG, sản lượng bán các sản phẩm thép tháng 9 đạt 555.000 tấn, giảm 11,6% so với tháng trước và nếu loại trừ tháng 7 (bán được 526.000 tấn) thì đây là mức sản lượng bán hàng thấp nhất của HPG kể từ tháng 2/2021. Sản phẩm thép xây dựng bán được 318.000 tấn, giảm 17,6% so với tháng trước và giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là tiêu thụ thép xây dựng gặp khó khăn, nhu cầu chung của thị trường thấp.
Hòa Phát chưa công bố báo cáo tài chính quý III/2022 (thông tin từ doanh nghiệp cho biết sẽ công bố vào cuối tháng 10), nhưng theo nhận định của SSI Research, lợi nhuận của Công ty trong quý này có thể giảm 80% so với cùng kỳ năm ngoái, ước đạt 2.100 tỷ đồng. Nguyên nhân sụt giảm do giá thép giảm, giá than cốc lên cao làm chi phí đầu vào tăng và lỗ tỷ giá.
Còn tại NKG, dự báo doanh thu, lợi nhuận của Công ty sẽ tiếp tục ảm đạm trong ngắn hạn. Công ty Chứng khoán KBSV dự phóng tổng sản lượng tiêu thụ năm nay của NKG đạt 1 triệu tấn, giảm 7% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 25.300 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.200 tỷ đồng, giảm gần 46%.
Có một diễn biến dự báo có lợi cho doanh nghiệp ngành thép, đó là cuộc khủng hoảng năng lượng tại EU sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất thép tại EU, giảm bớt áp lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu. Cụ thể, châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng, các động thái cắt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga đã gây ra nhiều khó khăn cho các nước EU.
Giá năng lượng ngày càng tăng khiến nhiều nhà sản xuất thép châu Âu buộc phải giảm bớt quy mô hoặc đóng cửa nhà máy. Cuộc khủng hoảng này được ước tính sẽ làm giảm 3 triệu tấn thép/năm của các hãng thép châu Âu. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp thép Việt Nam bớt áp lực cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu và có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào EU.
Bên cạnh đó, giới phân tích cũng kỳ vọng thời gian tới, nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại, giá thép có thể nhích tăng nhờ nhu cầu vật liệu xây dựng của nước này tăng cao, trong khi Trung Quốc vẫn đang triển khai chính sách cắt giảm khí thải và công suất sản xuất thép nên nguồn cung dự báo giảm.
Dẫu vậy, chẳng thể phủ nhận được thực tế là lạm phát vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới tại EU và Mỹ và viễn cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiển hiện. Trong bối cảnh đó, bức tranh kinh doanh của ngành thép cũng như giá cổ phiếu thép khó có thể cải thiện trong ngắn hạn.
Nguồn: tinnhanhchungkhoan
- Người viết: Lê Thanh lúc
- THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN NGÀNH THÉP