Test

Liệu cổ phiếu thép có phục hồi cùng kết quả kinh doanh quý 4/2022?

Mặc dù ngành thép đang trong giai đoạn khó khăn nhưng cổ phiếu thép sẽ có nhịp phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ tăng trở lại và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực hơn trong quý 4/2022.

Sản lượng sản xuất thép trên thế giới tiếp tục suy giảm và dự báo ảm đạm trong thời gian tới. Theo Hiệp hội Thép thế giới (WSA), sản lượng thép thô tháng 7/2022 ghi nhận 149,3 triệu tấn giảm 6,5% và đi xuống so với sản lượng tháng 6/2022 158,1 triệu tấn.

Đánh giá về triển vọng ngành thép, chứng khoán KBSV cho rằng cung thép thế giới sẽ còn tiếp tục giảm khi các nhà máy tại EU đóng cửa do cuộc khủng hoảng năng lượng chưa có hồi kết; Chính sách cắt giảm sản lượng, bảo vệ môi trường ở các nước sản xuất thép lớn như Trung Quốc.

Sản lượng thép thô trong nước suy giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu, các nhà máy sản xuất hoạt động cầm chừng do còn lượng tồn kho lớn.

Trong tháng 8, sản xuất thép thành phẩm đạt 1,982 triệu tấn, giảm 12% so với tháng 7/2022 và giảm 21,6 % so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022 đạt 20,808 triệu tấn giảm -5,8%. Bán hàng thép thành phẩm đạt 19,261 triệu tấn (-1.6% YoY).

Tuy nhiên, kỳ vọng tiêu thụ thép nội địa 3 tháng cuối năm sẽ phục hồi bởi, thứ nhất, mùa mưa, mùa thấp điểm xây dựng đã qua. Quý 4 là giai đoạn nhu cầu thép tăng lên khi các công trình xây dựng đẩy mạnh tiến độ.

Đầu tư công kỳ vọng đẩy mạnh vào cuối năm. Tốc độ giải ngân tháng 8/2022 đã gia tăng so với tháng 7/2022, luỹ kế 8 thág đạt 51% kế hoạch năm và tăng 16.9% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn giải ngân đầu tư cho giai đoạn 2022-2023 vẫn còn nhiều, đây là sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Cổ phiếu thép sẽ hồi phục cùng kết quả kinh doanh vào quý 4/2022? - Ảnh 1

 

Tín hiệu tích cực hỗ trợ ngành thép từ chính sách hỗ trợ kinh tế của chính phủ Trung Quốc ngày 24/8/2022. Trong đó, bổ sung 300 tỷ CNY mà các ngân hàng nhà nước có thể sử dụng để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng. Sự phục hồi của thị trường Trung Quốc là động lực chính thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới trong năm 2023.

Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu tiêu thụ thép thế giới chưa chắc chắn do lo ngại tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế diễn ra ở nhiều quốc gia.

Giá thép đầu tháng 9 tại Việt Nam đã cho thấy sự phục hồi sau chuỗi giảm liên tiếp. Giá thép được hỗ trợ khi nhu cầu tiêu thụ nội địa phục hồi và giá than cốc tăng trở lại.

Giá than tăng do lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU bắt đầu có hiệu lực từ 11/8/2022. Điều này đồng nghĩa với việc EU sẽ phải tăng cường tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các nước khác như Australia, Colombia… Giá than vận chuyển đường biển trên toàn cầu kéo theo đó tăng lên. Than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Úc ngày 6/9/2022 giao dịch ở mức khoảng 254,5 USD/tấn FOB.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sản xuất thép sẽ bớt áp lực do giá nguyên vật liệu hiện vẫn thấp hơn nhiều so với đầu tháng 5 và giá bán ra có dấu hiệu phục hồi nhẹ. 

KBSV kỳ vọng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành thép sẽ được cải thiện trong Quý 4.

Cũng theo KBSV, HPG với lợi thế cạnh tranh khác biệt có thể cân nhắc là một cơ hội đầu tư trong bối cảnh thị trường thép xây dựng nội địa hồi phục. Ngoài ra, HSG và NKG có thể hưởng lợi nếu thị trường EU thiếu cung thép do đóng cửa các nhà máy trong thời gian tới.

Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi sẽ chưa thực sự rõ ràng do sản phẩm thép mã kẽm nhúng nóng (HDG) của Việt Nam vào EU hiện bị áp hạn ngạch nhập khẩu.

Giá cổ phiếu ngành Thép có sự sụt giảm mạnh từ đầu tháng 4. Điều này đã phần nào phản ánh lo ngại trên thị trường về kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp khi giá nguyên vật liệu tăng phi mã bào mòn biên lợi nhuận và triển vọng tiêu thụ ngành kém tích cực.

Trong quá khứ, giá của cổ phiếu thép thường tạo đáy trước kết quả kinh doanh. Dù ngành Thép vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, cổ phiếu Thép sẽ có nhịp phục hồi nhờ nhu cầu tiêu thụ ngành có động lực quay trở lại và kỳ vọng vào kết quả kinh doanh tích cực hơn trong Quý 4.

Theo Vn Economy

← Bài trước Bài sau →