Test

3 mã cổ phiếu người chơi chứng khoán cần lưu ý ngày hôm nay

HPG: VNDirect duy trì với giá mục tiêu là 37.700 đồng/cổ phiếu

Lợi nhuận ròng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoà Phát (HoSE: HPG) trong quý II/2022 giảm 58,5% so với cùng kỳ do nhu cầu thép yếu làm giảm biên lợi nhuận gộp và ghi nhận lỗ ròng tỷ giá. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, lợi nhuận ròng của HPG giảm 26,6% so với cùng kỳ xuống mức 12.249 tỷ đồng.

Biên lợi nhuận gộp tiếp tục xu hướng giảm từ mức 22,9% trong quý I/2022 xuống mức 17,5% trong quý II/2022 khi giá than cốc tăng cao. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng (HRC) trong quý II/2022 đã giảm 15,3% so với cùng kỳ và giảm 5,8% so với quý trước đó do nhu cầu tiêu thụ ống thép và tôn mạ yếu (HRC là đầu vào để sản xuất 2 sản phẩm này) và các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã tăng sản lượng xuất khẩu khi thép Nga đang được bán phá giá vào thị trường quốc gia này.

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ được cải thiện dần từ quý IV/2022 nhờ giá thép được dự báo sẽ ổn định hơn trong những tháng cuối năm. Trong khi rủi ro giảm giá thép là thấp khi hiệu suất vận hành và lượng tồn kho tại các nhà máy thép Trung Quốc đang ở mức thấp nhất 1 năm qua và giá nguyên liệu đầu vào giảm mạnh trong 2 tháng qua sẽ phản ánh vào biên lợi nhuận gộp của quý IV/2022.

Theo đó, VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của HPG sẽ tăng lên lần lượt 22,5 - 22,2% trong năm 2023 - 2024 từ mức 20,4% của năm 2022 do giá than cốc trong 2 năm tới được dự báo sẽ giảm xuống mức trước đại dịch, bên cạnh đóng góp lớn hơn của mỏ quặng sắt tại Australia.

Lợi nhuận ròng năm 2023-2024 của HPG theo dự báo của VNDirect sẽ tăng trưởng trở lại ở mức 18,7 - 8,3% so với cùng kỳ. Trong dài hạn, khu liên hợp Dung Quất 2 dự kiến đi vào hoạt động từ cuối năm 2024 sẽ giúp HPG lọt top 30 nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới với công suất 14,6 triệu tấn.

Theo VNDirect, vị thế hàng đầu của HPG trong ngành thép Đông Nam Á sẽ giúp công ty hưởng lợi từ nhu cầu xây dựng mạnh mẽ ở cả mảng dân dụng và cơ sở hạ tầng. Cùng với đó, bảng cân đối kế toán lành mạnh với lượng tiền mặt dồi dào sẽ giúp HPG có thể gia tăng thị phần trong giai đoạn giá thép giảm. Khu liên hợp Dung Quất 2 sẽ giúp HPG tăng công suất sản xuất thép thô lên 14,6 triệu tấn/năm từ năm 2025, tăng 66% so với hiện nay. Bên cạnh đó, thép cuộn cán nóng (HRC) - sản phẩm đầu ra chính của khu liên hợp Dung Quất 2, vẫn đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung tại thị trường nội địa và phụ thuộc vào xuất khẩu, do đó những lo ngại về tình trạng dư cung thép của HPG trong giai đoạn 2025 - 2030 là thấp, theo quan điểm của VNDirect.

Động lực tăng giá cho cổ phiếu HPG theo VNDirect là các dự án mới (dự án nhôm, bất động sản và thiết bị gia dụng) để phát triển chuỗi giá trị. Rủi ro giảm giá là nhu cầu thép tăng trưởng chậm hơn dự kiến.

VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu HPG với giá mục tiêu là 37.700 đồng/cổ phiếu.

DGC: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 118.000 đồng/cổ phiếu

Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC) ghi nhận doanh thu quý II đạt 4.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế tăng mạnh gấp 5,7 lần, đạt gần 1.900 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của DGC đạt 7.640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 3.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 92% và 444% so với cùng giai đoạn 2021. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 97% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), DGC sẽ giảm chi phí sản xuất nhờ chi phí nguyên liệu đầu vào không chứa photpho giảm, bị bù lại một phần bởi giá quặng apatit tăng. Giá lưu huỳnh/than cốc đã lần lượt điều chỉnh 65%/35% tính từ đầu năm và sẽ hỗ trợ lợi nhuận của DGC trong quý IV/2022.

Ngược lại, giá quặng apatit toàn cầu đã tăng khoảng 60% tính từ đầu năm do thiếu nguồn cung. Giá quặng bột của Việt Nam/Trung Quốc/Maroc lần lượt đạt 110/160/280 USD/tấn (30% P2O5) trong tháng 7/2022. Tuy nhiên, tác động của đợt tăng giá này được bù đắp nhờ các mỏ của DGC cung cấp 40%/75% lượng quặng cần thiết trong các năm 2022/2023-2024 (theo dự phóng của VCSC).

Đối với tổng chi phí quặng apatit giai đoạn 2022-2024, VCSC nâng giả định giá quặng của Việt Nam thêm 40%, tuy nhiên, mức tăng sẽ được bù đắp hoàn toàn bởi tiết kiệm chi phí tốt hơn nhờ công nghệ tận dụng quặng thấp cấp của DGC.

VCSC kỳ vọng mỏ quặng apatit thứ 2 của DGC sẽ được đưa vào khai thác trong quý I/2023 và giúp tiết kiệm 30 triệu USD hàng năm (tương đương 14% dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2023). Công ty chứng khoán này cho rằng các mỏ khai thác quặng apatit của DGC có thể hỗ trợ đáng kể đối với biên lợi nhuận và khả năng hoàn vốn. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp mảng photpho sẽ tiếp tục cao mặc dù giá bán giảm đáng kể trong thời gian tới. VCSC ước tính 2 mỏ hiện tại của DGC có mức ROIC khoảng 150% và khai thác hết trong 6 năm tới.

Cổ phiếu DGC hiện có định giá hấp dẫn với P/E cốt lõi năm 2023/2024 là 8,5/9,5 lần so với trung vị P/E trượt trung bình 3 năm của các công ty cùng ngành là 14,2 lần. VCSC khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DGC, giá mục tiêu là 118.000 đồng/cổ phiếu.

BID: MASVN khuyến nghị mua với giá mục tiêu 46.000 đồng/cổ phiếu

Kết thúc nửa đầu năm 2022, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HoSE: BID) đạt hơn 1.979 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với thời điểm cuối năm 2021 và là ngân hàng thương mại có tài sản lớn nhất trong hệ thống.

Tác nhân chính dẫn dắt tăng trưởng tài sản bao gồm cho vay liên ngân hàng (tăng 59,6% so với cuối năm 2021) và chứng khoán (tăng 18,1%), trong khi cho vay khách hành ghi nhận mức tăng trưởng thấp hơn ở mức 8,9% đạt 1.443 nghìn tỷ đồng.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của BIDV tại thời điểm cuối quý II đi ngang ở mức 1%, trong khi tỷ lệ nợ xấu mở rộng (bao gồm cả nợ nhóm 2) tăng nhẹ 0,1% điểm so với cuối năm 2021 lên mức 2,2%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) tiếp tục tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt 262,5% và đứng thứ 2 trong nhóm các ngân hàng niêm yết.

Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 37,8% so với cùng kỳ, đạt 11,1 nghìn tỷ đồng và hoàn thành 55,4% kế hoạch kinh doanh năm 2022. Các nhân tố dẫn dắt lợi nhuận tăng trưởng bao gồm thu nhập thuần từ lãi (tăng 15,5% so với cùng kỳ) trong khi chi phí dự phòng giảm 12,2%.

Theo Công ty Cổ phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN), trong ngắn hạn và trung hạn, biên lãi thuần (NIM) mở rộng và chi phí dự phòng giảm dần sẽ là động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận. NIM 12 tháng giảm nhẹ xuống mức 2,87% (giảm 5 điểm cơ bản so với cuối năm 2021). Nguyên nhân do các yếu tố như hạn chế tăng trưởng tín dụng gián tiếp buộc BIDV phải tăng tỷ trọng các tài sản sinh lời không được tính là tín dụng như cho vay liên ngân hàng và đầu tư trái phiếu gần như phi rủi ro (trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp được phát hành bởi các tổ chức tín dụng).

Thêm vào đó, cho vay khách hàng cá nhân, thường có lợi suất thấp trong thời gian đầu do ưu đãi, ghi nhận mức tăng trưởng tốt nhất trong danh mục cho vay với mức 15,5% so với cuối năm 2021 và chiếm 42% tổng cho vay (tăng 2,2 điểm % so với cuối năm 2021).

Tính riêng mảng khách hàng cá nhân, cho vay mua nhà cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất với 20,9% so với cuối năm 2021. MASVN kỳ vọng sự tăng trưởng khả quan của mảng bán lẻ cũng như nới hạn mức tăng trưởng tín dụng sẽ hỗ trợ cho NIM của BIDV trong nửa còn lại năm 2022 và 2023.

Theo MASVN, chi phí tín dụng giảm dần có thể là chỉ báo cho chi phí này đã đạt đỉnh. Tỷ lệ chi phí tín dụng giảm dần trong 2 quý đầu năm xuống còn mức 1,6% vào thời điểm cuối quý II/2022, giảm 0,3 điểm % so với cuối năm 2021. Ngoài ra, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao đóng vai trò nền tảng trong việc ổn định tăng trưởng lợi nhuận trong thời gian tới.

MASVN khuyến nghị nâng giá mục tiêu cho BID lên mức 46.000 đồng/cổ phiếu (từ mức 43.100 đồng/cổ phiếu), phản ánh sự tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận, chất lượng tài sản tốt được duy trì và triển vọng ổn định trong nửa cuối năm. Giá mục tiêu mới tương đương với mức P/B mục tiêu là 2.0x, cao hơn so với mặt bằng chung nhờ vị thế dẫn đầu và các cải thiện trong hiệu quả hoạt động.

← Bài trước Bài sau →